​​

​QUAN HỆ  VIỆT NAM – ANGOLA:

Ngày 12/11/1975​, chính thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Angola.​

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/11​/1975, chỉ 1 ngày sau khi Angola tuyên bố độc lập. Từ năm 1976, Việt Nam đã có Sứ quán tại Luanda (năm 2000 rút về Nam Phi, đến năm 2002 được lập lại) và từ cuối 2011, Angola đã có Sứ quán tại Hà Nội.

Quan hệ hai nước là quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác truyền thống. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, trong đó có, về phía Angola, có các Đoàn Chủ tịch MPLA A.Neto tháng 8/1971, Chủ tịch nước J.E.dos Santos tháng 4/1987, Chủ tịch Quốc hội R. de Almeida tháng 10/2004; Đoàn cấp cao MPLA tháng 10/2010, Phó Tổng thống Fernando da Piedade Dias dos Santos tháng 2/2012; về phía Việt Nam, có các Đoàn Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ tháng 10/1978, Phó Chủ tịch HĐBT, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 12/1980, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 10/2002, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 4/2008, Ủy viên BCT, Thường trực BBT Trương Tấn Sang tháng 7/2009. Nhiều đoàn cấp Bộ, Thứ trưởng thuộc các ngành ngoại giao, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, thuỷ sản, y tế, giáo dục, cựu chiến binh… hai nước đã thăm nhau. Hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp liên chính phủ, họp 2 năm 1 lần; tới nay đã qua 5 kỳ họp; lần mới đây nhất là tại Luanda tháng 3/2011.

Hai bên đã ký nhiều hiệp định, văn bản hợp tác, trong đó có Hiệp định hợp tác giữa ĐCS VN và Đảng MPLA, Hiệp định thương mại, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học-kỹ thuật, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Hiệp định hợp tác về y tế, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học và đào tạo, Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Hiệp định hợp tác Khoa học kỹ thuật, Thoả thuận hợp tác nông nghiệp, Nghị định thư hợp tác hai Bộ Ngoại giao, Nghị định thư hợp tác về Thuỷ sản, Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đô thị-Nhà ở Angola, Nghị định thư hợp tác về trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cán bộ, Nghị định thư hợp tác về trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học và đào tạo, Nghị định thư hợp tác về văn hóa. Hai bên đã hoàn tất thương lượng và chuẩn bị để ký Hiệp định hợp tác về Phòng chống tội phạm, đ​ang trong quá trình đàm phán nội dung Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương, Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Về cơ bản, phía Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các hiệp định, thỏa thuận đã ký năm 2008, trong khi phía Angola mới phê chuẩn Hiệp định về hợp tác Khoa học kỹ thuật, Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí (3/2011) và mới nhất là Hiệp định miễn thị thực cho Hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ (2/2012).

Hai bên đã nhất trí xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên (y tế, giáo dục, nông nghiệp, dầu khí, khoa học kỹ thuật, xây dựng…) và thống nhất đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận đã có. Đặc biệt, trong dịp Phó Tổng thống Angola thăm Việt Nam tháng 2/2012, có 2 doanh nghiệp hai nước đã ký hợp đồng xây dựng nhà xã hội cho quân nhân Angola trị giá 3 tỉ USD.

Kim ngạch buôn bán hai chiều cho đến năm 2008 tăng khá: theo số liệu của Bộ Công-Thương Việt Nam, năm 2007 đạt 52,84 triệu USD (VN xuất 49,365  triệu); năm 2008 đạt gần 160 triệu USD (VN xuất 152 triệu và nhập 3,9 triệu). Nhưng từ năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế-tài chính quốc tế, kim ngạch buôn bán hai nước giảm sút, năm 2009  chỉ đạt 90,33 triệu USD (VN xuất 88,77 triệu, nhập 1,56 triệu), năm 2010 đạt 115,85 triệu (VN xuất111,16 triệu, nhập 4,69 triệu), gần đây có chiều hướng tăng trở lại,  năm 2011 khoảng 160 triệu USD. Tuy nhiên, các thống kê trên có thể chưa phản ánh đúng thực tế vì là dựa trên các con số chính thức, trong khi hàng xuất, nhập hai chiều hầu như toàn bộ theo đường tiểu ngạch. Hàng xuất của Việt Nam chủ yếu là gạo (năm 2010 trị giá 82, 6 triệu USD), dệt may, giày dép, thiết bị phụ tùng máy móc, sản phẩm hoá chất, xe máy… và nhập chủ yếu là sắt thép phế liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu.

Từ cuối những năm 70, Việt Nam đã cử chuyên gia các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục sang giúp Angola. Đội ngũ các bác sĩ, giáo viên Việt Nam đã liên tục có mặt từ cuối những năm 80 cho đến nay, kể cả những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của thời kỳ nội chiến tại Angola.  Hiện nay có gần 320 chuyên gia Việt Nam, trong đó có 235 bác sĩ đang làm việc tại 14/18 tỉnh, 82 giáo viên dạy đại học và trung học ở  4 tỉnh ở Angola.

Cộng đồng người Việt ở Angola có khoảng 15.000 người, đa số là lao động phổ thông,  chưa có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Hội người Việt Nam tại Angola được thành lập năm 2002, Đại hội 5 (nhiệm kỳ 2 năm) họp cuối tháng 8/2011 đã bầu một BCH gồm 15 người do bà Nghiêm Nhật Mai làm Chủ tịch (nhiệm kỳ 5). Lao động xây dựng Việt Nam tại Angola trong mấy năm qua đã tăng nhanh chóng về số lượng và có uy tín nhất định về chất lượng tay nghề, được nhân dân sở tại đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, bất cập cũng đã xuất hiện và để tập hợp, phát huy thế mạnh, bảo vệ thương hiệu xây dựng Việt Nam, phòng tránh và khắc phục các tiêu cực, tháng 10/2011 vừa qua  Ban chấp hành lâm thời các Chủ thầu xây dựng Việt Nam tại Angola đã được thành lập, đang tích cực hoạt động tiến tới chính thức thành lập Hiệp hội xây dựng Việt Nam tại Angola. Chủ tịch BCH lâm thời là ông Trần Quang Hiển.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​